Chiều ngày 25/12/2024, Ban Đô thị HĐND Thành phố Hà Nội, dẫn đầu bởi ông Đàm Văn Huân – Trưởng Ban Đô thị, đã có chuyến công tác tại Khu liên hợp Xử lý chất thải Bình Dương. Chuyến thăm không chỉ nhằm học hỏi kinh nghiệm quản lý môi trường mà còn hướng đến thúc đẩy hợp tác phát triển đô thị bền vững giữa Hà Nội và Bình Dương.
Đón tiếp đoàn công tác, phía tỉnh Bình Dương có bà Trần Thị Minh Hạnh – Trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh, ông Phạm Thanh Hùng – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP-Tổng Công ty Nước – Môi trường Bình Dương (Biwase), ông Ngô Chí Thắng – Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Liên hợp Khoa học – Công nghệ – Môi trường Biwase (Biwase E.T.S), cùng đại diện lãnh đạo HĐND các thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An và Bến Cát.
Ông Đàm Văn Huân – Trưởng Ban Đô thị Hà Nội và bà Trần Thị Minh Hạnh – Trưởng Ban Kinh tế Bình Dương trong buổi làm việc tại Khu liên hợp.
Trong buổi làm việc, đoàn đã được giới thiệu chi tiết về quy trình vận hành tại Khu liên hợp, bao gồm các giai đoạn từ thu gom, phân loại, xử lý đến tái chế chất thải. Hiện nay, Khu liên hợp xử lý chất thải Bình Dương có quy mô 100ha với công nghệ xử lý đồng bộ, hiện đại bậc nhất Việt Nam, chất thải được xử lý và tái chế tạo ra các sản phẩm hữu ích như phân bón, vật liệu xây dựng (gạch, bê tông tái chế) chất lượng cao, thân thiện với môi trường. Công suất tiếp nhận và xử lý đa dạng các loại chất thải: 3.511,6 tấn/ngày đối với chất thải sinh hoạt, 1.204,7 tấn/ngày đối với chất thải công nghiệp thông thường, 1.732,08 tấn/ngày đối với chất thải công nghiệp nguy hại và 160 tấn/ngày đối với chất thải xây dựng.
Ông Ngô Chí Thắng – Giám đốc Công ty Biwase E.T.S chia sẻ những bước tiến trong công nghệ xử lý chất thải tại Bình Dương.
Với việc đưa vào vận hành nhà máy tái chế rác sinh hoạt làm phân hữu cơ số 4, công suất 840 tấn/ngày vào quý 3 năm 2023 nâng tổng công suất tái chế lên 2.520 tấn/ngày, toàn bộ chất thải rắn hữu cơ trong rác sinh hoạt tại Bình Dương đều được tái chế 100%. Khu liên hợp đang hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm xử lý chất thải hàng đầu cả nước, với chiến lược ứng dụng công nghệ tiên tiến để giảm thiểu tác động môi trường, đồng thời mang lại giá trị kinh tế tuần hoàn.
Đoàn công tác được thăm quan các khu vực xử lý rác thải sinh hoạt, công nghiệp và nguy hại, đồng thời trực tiếp quan sát công nghệ lò đốt rác phát điện hiện đại, với công suất 5MW. Đây là hệ thống giúp chuyển đổi rác thải thành năng lượng điện, góp phần giảm áp lực lên hệ thống năng lượng truyền thống, giúp hạn chế phát thải khí nhà kính, giảm tác động biến đổi khí hậu. Các thành viên trong đoàn đánh giá cao mô hình quản lý môi trường toàn diện của tỉnh Bình Dương, đồng thời ghi nhận vai trò tiên phong của Biwase E.T.S trong xử lý và tái chế chất thải tại Việt Nam.
Đoàn công tác tham quan Trung tâm điều hành hệ thống lò đốt rác phát điện với công suất 5MW.
Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi kinh nghiệm thực tiễn trong quản lý và xử lý chất thải. Ông Đàm Văn Huân nhấn mạnh, Hà Nội có thể học hỏi nhiều từ mô hình xử lý chất thải tuần hoàn của Biwase E.T.S, đặc biệt là việc tối ưu hóa nguồn tài nguyên từ rác thải, ứng dụng công nghệ cao xử lý và tái chế chất thải tuần hoàn góp phần bảo vệ môi trường. Buổi làm việc khép lại trong không khí cởi mở và hợp tác, cả hai bên đều bày tỏ kỳ vọng những kinh nghiệm quý báu được chia sẻ sẽ là nền tảng để Hà Nội và Bình Dương không ngừng cải thiện hiệu quả quản lý môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và hướng tới phát triển đô thị bền vững.